92 Nguyễn Hữu Cảnh, P 22, Bình Thạnh, HCM 0901312279

Báo cáo ngành Thép – Tư duy trễ

Báo cáo ngành Thép – Tư duy trễ

I. Tổng quan tình hình ngành Thép

+ Nhu cầu trong nước giảm khoảng 6% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Sau khi tăng 15% trong Q1 do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.

Nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do sự kết hợp của ba yếu tố: (1) giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ, (2) lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh, khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho, và (3) các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

+ Xuất khẩu vẫn ổn định trong quý 2 năm 2022, nhưng có thể giảm tốc trong các quý tới. Sản lượng xuất khẩu của thép thành phẩm đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ là 13% trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu đã có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý 4 năm 2021. Sự sụt giảm về sản lượng như vậy là do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU), những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60-70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.

Thêm vào đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà EU áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1 tháng 7 năm 2021 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới.

Theo EU, sản lượng xuất khẩu HDG của Việt Nam sang Châu Âu ước đạt 979 nghìn tấn vào năm 2021. Với điều chỉnh này, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới.

+ Giá thép điều chỉnh đáng kể trong những tháng gần đây do nhu cầu yếu: Giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.

Sau khi tăng vọt 56% khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, hiện giá thép HRC tại EU đã điều chỉnh khoảng 35% về dưới mức trước khi căng thẳng xảy ra. Giá HRC ở Trung Quốc và Mỹ cũng giảm 15-20% trong 3 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn, trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới và đặc biệt là do nhu cầu yếu ở Trung Quốc trước tình hình giãn cách xã hội, thời tiết bất lợi và thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại do lãi suất tăng.

Về nguồn cung, sản lượng thép toàn cầu nhìn chung đã giảm trong nửa đầu năm 2022, với tổng sản lượng sản xuất ước tính giảm 6,3% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính theo tháng, sản lượng thép sản xuất tại Trung Quốc đã tăng dần trong 3 tháng qua, làm gia tăng lượng hàng tồn kho tại nhà máy và tạo thêm áp lực lên diễn biến giá thép trong khu vực.

Việc giảm tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi giá nguyên liệu đầu vào giảm: Giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt là từ Trung Quốc). Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo. Mặt khác, do tỷ suất lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức tối thiểu, nên giá thép trong thời gian tới sẽ khó có thể giảm với tốc độ mạnh như trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, sự hồi phục của giá thép cũng tương đối hạn chế do nhu cầu yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

II. Cập nhật doanh nghiệp Thép – SSI Research

HPG: Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 HPG từ 176 nghìn tỷ đồng và 31,1 nghìn tỷ đồng xuống 160 đồng (tăng 6,9% so với cùng kỳ) và 26,5 nghìn tỷ (giảm 23,1% so với cùng kỳ) chủ yếu do giả định giá thép giảm. Sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng, HRC, thép ống và phôi thép ước tính lần lượt là 4,7 triệu tấn (tăng 19% so với cùng kỳ), 2,8 triệu tấn (tăng 9% so với cùng kỳ), 690 nghìn tấn (tăng 5% so với cùng kỳ) và 700 nghìn tấn (giảm 46,6% so với cùng kỳ). Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu HPG đang giao dịch ở mức P/E 2022 là 5,2 lần – mức thấp nhất trong lịch sử. Chúng tôi giảm P/E và EV/EBITDA mục tiêu 1 năm lần lượt từ 7,5x và 5,5x xuống 6x và 4,5x, do định giá các công ty cùng ngành trong khu vực giảm trong bối cảnh lạm phát gia tăng và triển vọng lợi nhuận suy yếu. Theo đó, chúng tôi duy trì đánh giá KHẢ QUAN đối với cổ phiếu HPG, nhưng giảm giá mục tiêu xuống 27.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu giảm đã phản ánh phần nào triển vọng lợi nhuận, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn do đà đi xuống của giá thép.

HSG:  Dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của chúng tôi cho HSG là 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. Chúng tôi dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 12,7% xuống 1,96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6% so với cùng kỳ. Với mức giá hiện tại, HSG đang giao dịch ở với PE dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 6,3x và 6,0x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với HSG, với giá mục tiêu 1 năm là 17.000 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu là 6x.

NKG: Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của NKG 2022 sẽ giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 1,35 nghìn tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm 4% so với cùng kỳ, xuống 1,04 triệu tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu có thể giảm 9%, còn sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 5% so với cùng kỳ. Ở mức giá hiện tại, NKG đang giao dịch ở mức P/E 2022 và 2023 lần lượt là 3,7 lần và 4,9 lần. Chúng tôi thay đổi khuyến nghị cho cổ phiếu NKG từ KHẢ QUAN thành TRUNG LẬP, với giá mục tiêu 1 năm là 21.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/E mục tiêu là 5 lần.

Các công ty tôn mạ như HSG và NKG đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu thực hiện cho đến cuối tháng 7 và tháng 8
với sản lượng khoảng 60 nghìn tấn/tháng.

Dự báo tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý 2 và quý 3 năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn.

III. Tư duy trễ

Diễn biến vĩ mô hiện tại cho thấy ngành Thép đang gặp rất nhiều tiêu cực và chưa thấy những tín hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên nếu câu hỏi bây giờ đặt ra là: nên Mua hay Bán cổ phiếu Thép không? thì đây lại là 1 tư duy hoàn toàn khác.

===============================================

Thường nói: “Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế” bởi vì thị trường chứng khoán có thể phản ánh một cách nhạy bén và chính xác triển vọng nền kinh tế cho giai đoạn sắp tới.

Do đó, có thể việc giá cổ phiếu Thép tạo đỉnh và điều chỉnh giảm trong thời gian qua chính là phản ánh tình hình vĩ mô ở thời điểm hiện tại và biết đâu rằng thời điểm quý II/2022 này lại chính là đáy của ngành Thép.

Hãy cùng nhìn lại quá khứ cổ phiếu HPG để tư duy:

+ Thời điểm quý IV/2019 và I/2020 khi mà lợi nhuận của HPG đang ở vùng rất thấp, lúc đó thị trường tràn ngập những thông tin xấu về ngành Thép. Thậm chí thời điểm đó, đại dịch Covid 19 đang tác động ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn thế giới. Nhưng cũng chính lúc đó lại là đáy của cổ phiếu HPG.

+ Hãy nhớ lại thời điểm quý III/2021, lúc này Kết quả kinh doanh của HPG đạt đỉnh cao kỷ lục, thông tin tích cực lan tràn khắp trên mạng nhưng cũng chính lúc này HPG bất ngờ tạo đỉnh vào tháng 10/2021.

===============================================

Em hi vọng ví dụ về cổ phiếu HPG trên sẽ giúp NĐT hiểu rõ hơn phần nào về sai lầm mà hầu hết những Nhà đầu tư mới đều mắc phải, đó chính là “TƯ DUY TRỄ”

IV. Kết luận

Cổ phiếu HPG – Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HOSE)

Nếu là một người có kinh nghiệm trong ngành, biết canh chu kỳ tốt, thì việc đầu tư ngành Thép nói chung và cổ phiếu HPG nói riêng vào đúng thời điểm chưa bao giờ là một lựa chọn tồi.

Xét đến việc HPG là một nhà sản xuất chi phí thấp với chuỗi giá trị khép kín – tự sở hữu mỏ quặng chiếm 30% nhu cầu, công suất lớn top đầu Việt Nam, lãnh đạo và bộ máy làm việc quản lý chất lượng sản phẩm rất uy tín.

HPG là nhà sản xuất thép số 1 toàn quốc, chiếm 30% thị phần, sở hữu khu liên hợp gang thép Hải Dương và khu liên hợp Dung Quất I.

Có thể nói HPG thuộc nhóm có cơ cấu tài chính tốt nhất đối với ngành Thép nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam nói chung: Với ROIC 30%, tăng trưởng 40% CAGR trong những năm qua.

===============================================

Đương nhiên, với bối cảnh vĩ mô hiện tại các doanh nghiệp ngành Thép đang phải chịu áp lực định giá thấp do lợi nhuận kém và khả năng giá thép biến động trong ngắn hạn. Nhưng đối với những Nhà đầu tư dài hạn thì đây lại chính là một món hời.

Lưu ý: Với thị giá hiện tại, Em cho rằng rủi ro giảm giá của ngành Thép không còn lớn như giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong đầu tư chứng khoán để tối đa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro thì “Yếu tố giá rẻ” chỉ là một phần. Một chiến thuật hay phương pháp đầu tư còn cần thêm những yếu tố khác “Thời điểm Mua – Bán“; “Tỷ trọng giải ngân” v.v…

  • Related Tags:

Leave a comment